TẾT TRUNG THU HÀN QUỐC

TẾT TRUNG THU HÀN QUỐC

25 / 09 / 2023 - Tìm hiểu Hàn Quốc


I. Nguồn gốc của Tết Trung Thu:

Trung thu (Chuseok – 추석) là một trong ba dịp lễ lớn của Hàn Quốc, bên cạnh Tết Nguyên đán (Seollal – 설날) và Tết Đoan ngọ (Dano – 단오).

“추석” trong Hán tự, được gọi là “仲秋節” (trọng thu tiết) hoặc “仲秋佳節 (trọng thu giai tiết). Mang ý nghĩa là lễ hội diễn ra vào giữa mùa thu.

Từ thời xa xưa, cứ vào tháng tám hằng năm sẽ là mùa thu hoạch lúa chín. Đối với tổ tiên của người Hàn, đây là khoảng thời gian họ vui vẻ và hân hoan nhất trong năm vì sau một khoảng thời gian trồng trọt vất vả cũng đã có một mùa vụ bội thu. Vào ngày 15/08 âm lịch – ngày trăng tròn và lớn nhất năm, họ sẽ tổ chức lễ hội. Khi đó họ ăn mừng, vui chơi và nhảy múa. Đây có thể được xem là nguồn gốc của Tết Chuseok ngày nay.

Tại Hàn quốc, người dân được nghỉ 3 ngày (14, 15 và 16 tháng 8 âm lịch) để trở về nhà, sum vầy bên người thân, dành tặng nhau những món quà ý nghĩa trong ngày Tết trung thu.

II. Phong tục đón tết trung thu ở Hàn Quốc

1. Mâm cúng trung thu ở Hàn Quốc

Mâm cỗ cúng Tết trung thu Hàn Quốc rất công phu, hoành tráng và ấn tượng. Người Hàn quốc chú trọng mọi món ăn trong ngày lễ Trung thu, mâm cơm cúng có thể lên đến tận 10 món khác nhau.

2. Bánh Trung thu Hàn Quốc – Songpyeon (송편)

Songpyeon là một loại bánh tteok (bánh gạo) và là món ăn đặc trưng không thể thiếu của người Hàn trong lễ Chuseok. Khác với Việt Nam, vào mỗi dịp lễ Trung thu

người Hàn thường sẽ làm và ăn loại bánh tteok này, đây cũng là một loại bánh truyền thống của người Hàn Quốc.

       Cách làm bánh Songpyeon

  • Chuẩn bị nguyên liệu:
  • 5 chén bột nếp
  • 15 hạt dẻ, 1 chén đậu đen, 1 chén mè trắng xay
  • Gia vị: Mật ong, đường nâu, muối, dầu mè.
  • Lưu ý:

Nếu như muốn bánh có thêm màu sắc thì trong quá trình trộn bột, bạn có thể chia nhỏ bột ra và bỏ thêm bột ngải cứu để làm bánh có màu chiếc lá xanh, hay thêm bột dâu tây để tạo hoa những bông hoa màu hồng cho bánh…

  • Sơ chế nguyên liệu:
  • Đậu đen bạn cho vào nước ngâm khoảng 3 tiếng đồng hồ để đậu mềm, khi nấu sẽ nhanh chín hơn.
  • Hạt dẻ bỏ vào nồi luộc cho chín mềm sau đó bóc bỏ phần vỏ (Thời gian luộc khoảng 30 phút).
  • Với phần bột nếp đã được rây bạn cho nước nóng từ từ từng ít một vào tô bột để có thể điều chỉnh lượng nước cho phù hợp bột sẽ không bị quá khô hay quá ướt, trộn đều và tiến hành nhào bột.
  • Bạn nhào thật kỹ để bột được mềm dẻo, sau khi bột đã được nhào xong thì bạn dùng miếng vải mỏng phủ kín lên bột và để bột nghỉ.
  • Làm nhân bánh:
  • Nhân đậu đen: Bạn cho đậu đen đã ngâm vào nồi, thêm nước rồi bắc nồi lên bếp, thêm vào nồi: 1 muỗng canh đường nâu, 1/4 muỗng cà phê muối, đun đậu đen trên bếp với lửa nhỏ trong thời gian khoảng 15 phút là đậu chín bạn vớt ra để nguội.
  • Nhân hạt mè: Bạn cho mè xay vào 1 chiếc chén sau đó thêm vào: 2 muỗng canh đường nâu, 1 muỗng canh mật ong, ½ muỗng cà phê muối rồi trộn đều các nguyên liệu lại với nhau.
  • Nhân hạt dẻ: Bạn cho hạt dẻ đã bóc vỏ vào chén và dùng muỗng tán nhuyễn, sau đó thêm vào: 2 muỗng canh đường nâu, 1 muỗng canh mật ong, ½ muỗng cà phê muối, rồi trộn đều hỗn hợp.
  • Tạo hình bánh:
  • Bạn lấy 1 ít bột vo viên tròn sau đó dùng tay ấn vào giữa để tạo độ lõm để cho nhân vào. Sau đó dùng muỗng múc nhân bỏ vào bên trong và nhẹ nhàng bịt kiếng miệng bánh lại.
  • Để tạo hình chiếc bánh có hình giống quả bí ngô, thì bạn dùng 1 que tăm tre, tạo các vết hằn chéo nhau trên mặt bánh, đồng thời lấy một ít bột dâu tây tạo thêm một bông hoa nhỏ trên đỉnh chiếc bánh là xong.
  • Ngoài hình quả bí ngô bạn có thể dùng tăm tre để tạo đường vân cho chiếc bánh giống với hình một.
  • Hấp bánh:
  • Bạn tiến hành lót phía dưới xửng hấp bằng 1 cái khăn ướt và một vài lá thông, rồi xếp bánh lên trên. Đậy nắp lại và đưa bánh vào hấp trong khoảng từ 15 – 20 phút là bánh chín.
  • Sau khi bánh chín bạn lấy ra xả dưới vòi nước lạnh, để ráo rồi lấy chút dầu mè phết lên mặt từng chiếc bánh là xong.
  • Lưu ý:

Khi xếp bánh vào xửng hấp không nên xếp quá nhiều bánh và xếp sát nhau vì khi chín bánh dễ bị dính vào nhau. Khi bạn thấy bánh có độ bóng là bánh đã chín.  Ngoài ra khi hấp bánh nếu không có lá thông bạn có thể trải dưới xửng một lớp khăn mỏng xong xếp bánh lên là được.

  • Thành phẩm:

Bánh trung thu Hàn Quốc – Songpyeon có màu sắc và hình dáng lạ mắt, bánh dẻo mềm, với nhiều hương vị nhân khác nhau, vị thơm nức của nhân mè xay, vị bùi, béo của nhân đậu đen và hạt dẻ… đảm bảo cả người lớn và trẻ nhỏ đều thích.

3. Miến trộn Hàn Quốc – Japchae (잡채)

Miến trộn là một món ăn truyền thống của Hàn Quốc được chế biến và ăn trong dịp lễ Chuseok. Miến trộn là món ăn nổi tiếng của Hàn Quốc được yêu thích ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên liệu chính của món ăn này là miến, thịt (thường là thịt bò) cùng các loại rau củ theo mùa (cà rốt, nấm, mộc nhĩ, hành tây) ăn không hề ngán, rất ngon mà lại đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.

  • Nguyên liệu:
  • Miến: 300g
  • Thịt bò: 100g
  • Cà rốt: 1 củ
  • Cải bó xôi: 100g
  • Nấm đông cô: 100g
  • Nấm kim châm: 100g
  • Ớt chuông xanh: 100g
  • Ớt chuông đỏ: 100g
  • Trứng gà: 2- 3 quả
  • Tỏi, Mè rang
  • Gia vị: Dầu ăn, dầu mè, nước tương, hạt tiêu, muối, đường, rượu trắng.
  • Sơ chế và tẩm ướp nguyên liệu:
  • Ngâm miến vào thau nước lạnh khoảng 5 phút để miến mềm ra, sau đó rửa qua rồi trần sơ với nước nóng trong vài phút. Tùy từng loại miến mà có thời gian trần thích hợp, tránh cho miến bị nát hoặc quá mềm.
  • Để miến ráo nước, ướp miến với nước tương, dầu mè, đường, hạt tiêu và mè rang với tỉ lệ phù hợp.
  • Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng vừa ăn rồi ướp với nước tương, tỏi băm, dầu mè, rượu trắng, đường trong khoảng 15 phút cho thịt thấm đều gia vị.
  • Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi nhỏ. Ớt chuông xanh, đỏ thái sợi. Cải bó xôi nhặt gốc, rửa sạch, cắt khúc dài 3 – 4cm. Bạn trần sơ các loại rau củ này với nước sôi, vớt ra cho vào nước lạnh để giữ độ giòn. Tiếp đó, đem ướp với dầu mè, đường, muối.
  • Nấm đông cô làm sạch, thái lát mỏng. Nấm kim châm rửa sạch, để ráo nước. Tỏi băm nhỏ. Ướp nấm với hành tỏi, nước tương, dầu mè, đường; đảo đều tay cho nấm thấm gia vị.
  • Các bước chế biến món miến trộn:
  • Bước 1: Đập trứng vào tô, thêm chút muối rồi khuấy đều, đem tráng thật mỏng trên chảo lớn, lật hai mặt để trứng chín vàng đều. Khi trứng nguội, bạn dùng dao thái thành những sợi nhỏ vừa ăn.
  • Bước 2: Phi thơm tỏi với chút dầu ăn, cho phần nấm đã ướp vào đảo đều rồi cho cà rốt, ớt chuông, cải bó xôi vào. Bạn lưu ý phải để lửa lớn, đảo đều tay để rau củ không bị ra nước. Sau khi rau củ chín tới và thấm gia vị thì tắt bếp, đổ ra đĩa.
  • Bước 3: Phi thơm tỏi với dầu ăn. Khi tỏi dậy mùi thơm thì cho thịt bò vào xào với lửa lớn, nhanh tay đảo đều đến khi thịt chín tới, chuyển sang màu vàng nâu là được.
  • Bước 4: Bạn cho miến vào đĩa, đổ hỗn hợp rau củ và nấm lên trên, tiếp đó cho thịt bò vừa xào còn nóng lên trên cùng (đổ cả nước xào bò). Trước khi ăn, rắc một chút vừng rang, trộn đều rồi thưởng thức.

4. Thịt bò xào Hàn Quốc – Bulgogi (불고기)

Thịt nướng Bulgogi được làm từ thịt bò hoặc thịt lợn thái mỏng, tẩm ướp rồi nướng hoặc áp chảo. Thịt được ướp ngọt nên hợp với những người không ăn được cay. Thịt thường được cuốn với các loại rau củ, kim chi… hoặc ăn cùng cơm trắng. Đây là món ăn rất hợp với những buổi tụ họp gia đình như trong lễ Trung Thu.

  • Nguyên liệu:
  • Thịt bò: 1kg (thịt thăn)
  • Nước dùng thịt bò: 380 ml
  • Đậu hũ: 2 miếng
  • 30g kim châm
  • ½ trái lê, 1 củ cà rốt, 1 củ hành tây
  • 2 trái ớt xanh, 12 téo tỏi, 1 nhúm hành lá
  • Hạt tiêu đen
  • 1 muỗng canh mật ong
  • 3 muỗng canh nước tương.
  • 2 muỗng canh đường
  • 2 muỗng canh dầu mè
  • Sơ chế:
  • Thịt bò rửa sạch, rồi bỏ vào tủ lạnh trước khoảng 2 tiếng cho thịt hơi đông, cắt lát thịt thật mỏng, bản to bằng nửa bàn tay.
  • Tỏi đập dập rồi băm nhỏ.
  • Cắt nhỏ hành tây và lê, bỏ vào máy xay nhẹ.
  • Các loại rau củ, nấm, đậu hũ còn lại, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành miếng vừa ăn, xếp lên khay sạch.
  • Cách chế biến món Bulgogi:
  • Dùng 1 tô lớn, lần lượt cho nước tương, tiêu, đường, tỏi, hành tây và lê xay, nước dùng thịt bò, và mật ong vào trộn đều. Dùng dụng cụ đánh trứng đánh thật đều để các nguyên liệu hòa trộn vào nhau.
  • Cho thịt bò đã cắt lát vào tô nước sốt, cho thêm vào 2 muỗng canh dầu mè, trộn đều thịt, rồi ướp thịt trong tủ lạnh ít nhất 3 tiếng. 
  • Chảo nóng, cho dầu ô liu (loại dùng nấu ăn được) vào, sau đó cho phần hành tây vào xào sơ, rồi mới đến thịt. Thêm rượu khi xào vị sẽ càng thơm ngon hơn nhé, xào lửa lớn nhanh tay để thịt ko quá chín và ra nước nhiều, đảo đều để hành thấm gia vị và ngon hơn.
  • Rắc thêm tí hành và hạt mè để thêm hấp dẫn.

5. Canh khoai sọ – Toranguk (토란국)

Canh khoai sọ là một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Tết Trung Thu của người Hàn . Theo Hán tự, khoai sọ được gọi là thổ noãn (“土卵” – trứng trong đất).

  • Nguyên liệu nấu canh khoai sọ:
  • 500g khoai sọ
  • 300g xương sườn
  • 1 ít hành lá, ngò gai
  • 1 củ hành khô
  • Gia vị: Muối, bột ngọt, hạt nêm, đường.
  • Cách nấu canh khoai sọ với xương ngon đúng vị:
  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ướp xương với 1 muỗng muối, ½ muỗng bột ngọt, 1 muỗng hạt nêm sau đó trộn đều. Gọt vỏ khoai sọ, rửa sạch với nước rồi đem thái thành miếng vừa ăn. Sau đó đem ngâm với nước, cho chút muối sẽ giúp khoai bớt nhớt và không bị thâm.

  • Bước 2: Hầm xương

Cho dầu ăn vào đến khi nóng chảo rồi đổ hành khô đã sắc nhỏ vào phi vàng thơm. Sau đó đổ phần xương đã ướp vào, ninh khoảng 10 phút cho xương thấm gia vị, tiếp đó cho thêm nước vào ngập xương. Đun thêm một khoảng thời gian để xương nhừ rồi vớt bọt.

  • Bước 3: Cho khoai sọ vào hầm

Cho khoai sọ vào ninh thêm 10 phút nữa là khoai chín. Nêm nếm gia vị để vừa ăn rồi tắt bếp.

  • Bước 4: Thành phẩm

Múc canh ra tô, rắc tiêu cùng hành lá và mùi ngò gai thái nhỏ vào. Vậy là với những bước đơn giản như trên mà chúng ta đã có một nồi canh thơm ngon rồi đó.

III. Các hoạt động và trò chơi dịp tết Chuseok

1. Phong tục thờ cúng tổ tiên:

Chuseok là một dịp quan trọng để các gia đình Hàn Quốc thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Vào buổi sáng ngày lễ, họ quây quần bên nhau để tổ chức lễ cúng tưởng niệm tổ tiên.

Một năm có hai lần tổ chức Charye: một là trong dịp lễ Seolla (Năm mới) và hai là trong dịp lễ Chuseok. Sự khác biệt giữa hai lễ Charye này là: trong dịp Seollal, món ăn đại diện là Tteokguk (떡국 – canh bánh gạo). Còn trong dịp lễ Chuseok, món ăn đại diện là cơm nấu từ gạo mới thu hoạch (메밥), rượu truyền thống và songpyeon (송편). Sau lễ cúng, các thành viên cùng nhau ngồi bên bàn ăn để thưởng thức các món ăn ngon.

2. Múa ganggangsullae (강강술래):

Điệu múa ganggangsullae được xem là hoạt động nghệ thuật tiêu biểu trong dịp Tết Chuseok. Trong điệu múa này, cô gái sẽ mặc những bộ hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn Quốc) và tụ họp lại dưới ánh sáng đêm trăng rằm, nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa.

Thời điểm ngày trăng tròn cũng được ví như người phụ nữ đến kỳ “khai hoa nở nhụy”. Chính vì vậy, điệu múa truyền thống này còn để ca ngợi cho sự thăng hoa vẻ đẹp của người phụ nữ hòa trong thời khắc đẹp của thiên nhiên.

3. Juldarigi ( 줄다리기):

Juldarigi là trò chơi nhằm gắn kết cộng đồng khi được tham gia bởi mọi người chơi từ bất cứ độ tuổi nào. Các đội sẽ được phân chia đồng đều về số người, giữa các thôn xóm, các làng cũng có thể chia đội với nhau để thi thố. Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng kéo dài. Trò chơi mang đến tinh thần đồng đội và niềm vui khi gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau.

4. Trò đấu vật:

Môn đấu vật là trò chơi không thể thiếu trong lễ Chuseok là dịp để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình.

Trên bãi cỏ hoặc bãi cát, cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp, người chiến thắng được tôn vinh là jangsa và sẽ được nhận từ dân làng vải vóc, gạo hay con bê làm giải thưởng.

Bài viết cùng chủ đề

Tết ở Hàn Quốc

Tết ở Hàn Quốc

Hàn Quốc ngày nay là nước công nghiệp phát triển...

THÔNG BÁO VỀ KỲ THI NĂNG LỰC TIẾNG HÀN NĂM 2012

THÔNG BÁO VỀ KỲ THI NĂNG LỰC TIẾNG HÀN NĂM...

THÔNG BÁO VỀ KỲ THI NĂNG LỰC TIẾNG HÀN LẦN...

Hàn Quốc gửi nhóm y tế ra nước ngoài hổ trở chống dịch Ebola

Hàn Quốc gửi nhóm y tế ra nước ngoài hổ...

Hàn Quốc sẽ gửi nhóm y tế đến các nước...

Đăng ký ngay nhận nhiều ưu đãi

Trung tâm còn có nhiều chính sách ưu đãi cho tất cả học viên như là các chính sách giảm học phí, chính sách bảo lưu… Nếu học viên vắng không theo kịp bài giảng, trung tâm sẽ sắp xếp giáo viên dạy kèm vào buổi hôm sau, để đảm bảo tiến độ học tập của học viên.

Chương trình học » Đăng ký học »