Hàn Quốc ngày nay là nước công nghiệp phát triển mạnh và đã có những ảnh hưởng hiện đại hoá phương Tây trong đời sống văn hóa. Song cho đến nay quốc gia này vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp Á Đông riêng có của dân tộc Hàn. Một trong những nét đẹp đặc sắc đó là văn hoá Tết, đặc biệt là văn hóa Tết âm lịch cổ truyền Người Hàn Quốc hiện dùng cả hai thứ lịch: dương lịch và âm lịch. Nên họ vui đón cả hai Tết: Tết dương lịch và Tết âm lịch cổ truyền.
Tết Dương lịch
Hàn Quốc cũng giống như các nước phương Tây, được tính từ thời khắc giao thừa giữa đêm 31/12 năm cũ dương lịch bước sang những giây phút đầu tiên của sáng ngày 1/1 năm mới dương lịch. Tết dương lịch là một ngày đại lễ và được mọi người ưa chuộng, nhất là giới trẻ vì nó đến ngay sau Lễ Noel khiến cho mọi người đều hiểu rõ giá trị của những ngày nghỉ sau một năm làm việc và học tập căng thẳng. Tuy nhiên, Tết dương lịch không dài ngày, người ta thường chỉ có những hoạt động lễ hội và vui chơi vào hai ngày đầu năm mới, đến ngày 3 mọi người lại tiếp tục các công việc thường ngày của một năm mới.
Tết truyền thống Hàn Quốc (Seollal)
Seollal – Tết truyền thống của người Hàn Quốc (Tết Âm lịch; Ngày mùng 1/1 trong Âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất tại Hàn Quốc. Seollal thường kéo dài trong 3 ngày: Mùng 30 Tết, mùng 1 và mùng 2. Đây là dịp các gia đình sum họp và hướng về tổ tiên.
Đối với người Hàn Quốc, Seollal mang một ý nghĩa đặc biệt hơn nhiều so với đơn thuần chỉ là một ngày đánh dấu cho sự khởi đầu của một năm mới. Đây không chỉ là quãng thời gian để tưởng nhớ và tỏ lòng kính trọng với tổ tiên mà còn là thời gian cho mọi người sum họp cùng gia đình. Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn nhìn thấy mọi người mặc những bộ hanbok (trang phục truyền thống) đẹp mắt, hành lễ trước tổ tiên hoặc chơi trò chơi dân gian, ăn những món ăn truyền thống ngon lành, ngồi nghe kể truyện và chuyện trò thâu đêm.
Phong tục đón tết truyền thống Seollal của người Hàn Quốc
Chuẩn bị cho Seollal – quà tặng và mua sắm
Một tuần trước khi diễn ra Seollal, tất cả các gia đình đều hối hả mua sắm chuẩn bị cho ngày này. Đây là dịp tất cả các thành viên trong gia đình đoàn tụ, nên hầu hết mọi người đều rất lo lắng để làm sao Tết diễn ra suôn sẻ. Các cửa hàng, chợ, siêu thị đều bận rộn. Mọi người mua sắm quà để tặng bố mẹ và bạn bè.
Quà tặng năm mới phụ thuộc vào tình hình kinh tế và xu hướng năm đó. Mọi người có thể tặng nhau sâm, mật ong, các sản phẩm về sức khỏe, phiếu mát-xa. Đồ nhà tắm như xà phòng, dầu gội, kem đánh răng cũng là những gói quà phổ biến. Họ cũng có thể tặng nhau đồ ăn như cá hồi, cá khô hay hoa quả.
Ngày Seollal
Buổi tối trước Giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đêm Giao thừa, người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người Hàn Quốc quan niệm đêm Giao thừa không ai ngủ vì nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Sau đó, các thành viên trong gia đình tụ họp, dâng đồ ăn và đồ uống lên tổ tiên. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ và sẽ đốt đi sau khi cúng.
Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà) và món kim chi cay. Người Hàn Quốc cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc không thể trọn vẹn nếu thiếu món canh bánh gạo (tteokguk) – món canh mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai. Canh được làm bằng cách nấu nhiều lát bánh gạo. Ngoài ra còn có các món khác như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.
Món canh bánh gạo tteokguk
Khi cúng xong, các gia đình sẽ cùng nhau thưởng thức đồ ăn. Món không thể thiếu trên bàn ăn vào ngày này đó là tteokguk. Mỗi một lần ăn tteokguk, trẻ em lại được thêm một tuổi. Vì thế, người ta có thể hỏi tuổi trẻ em là “Cháu đã ăn tteokguk bao lần rồi?”
Lễ Seba của người Hàn Quốc
Con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Trẻ em sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới trước người lớn và chúc họ may mắn, chúng sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tùy thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Kết thúc, cả nhà quây quần cùng nhau ăn đồ vừa cúng Tổ tiên.
Tiếp sau đó mọi người sẽ đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, hoặc thăm các vườn hoa, cây cảnh, viếng chùa ngày xuân. Họ thường đến những nơi đã được xây dựng từ các triều đại cũ theo triết lý “thiên địa nhân hòa đồng” của đạo Lão.
Với các trẻ em trong những ngày Tết còn là dịp chúng được thỏa sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở các nơi công cộng như các trò chơi như kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori, một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.
Cũng giống như Việt Nam, ngày lễ Seollal chỉ chính thức kéo dài 3 ngày nhưng không khí Tết và các lễ hội sẽ còn tiếp tục đến hết rằm tháng Giêng.
Theo dulichhanquoc