Khi nhiệm vụ được đặt ra, người Hàn Quốc dường như ưa thích cường độ và tốc độ để hoàn thành công việc. Nhưng trong xã hội truyền thống Hàn Quốc, mọi người lại được khuyên nên hành động chậm rãi và thậm chí là không nên vội vàng tìm một nơi trú ẩn. “Nhanh lên, Nhanh lên” trở thành một cụm từ mới mang tính hình tượng, nhằm diễn tả các nguyên tắc hay các đặc điểm làm việc của người Hàn Quốc trong công việc cũng như trong đời sống xã hội. Sự thay đổi trái ngược này chỉ xảy ra sau khi Hàn Quốc trải qua một vài thập kỷ của quá trình công nghiệp hóa.
Trong quá khứ, Hàn Quốc đã từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới vào những năm 50 và 60. Một nước nghèo như Hàn Quốc bấy giờ phải đuổi kịp những quốc gia láng giềng tiên tiến hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho các thế hệ kế tiếp. Vì vậy, đối với họ thời gian rất quý giá, tới mức không thể bỏ phí một phút nào. Các công nhân đã làm việc rất chăm chỉ (thường xong trước thời hạn) và làm việc nhiều giờ (mặc dù vẫn không thay đổi nhiều). Thuyết động lực của dân tộc chăm chỉ chắc chắn đã góp phần vào việc thúc đẩy trình độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, việc ủng hộ tốc độ và cường độ làm việc cao của người Hàn Quốc đã khiến họ phải trả giá. Như trong nhiều trường hợp, họ đã gây tổn hại đến sức khỏe và an toàn của chính mình. Tỷ lệ tai nạn lao động và tai nạn giao thông ở Hàn Quốc ở mức cao so với các quốc gia thành viên trong OECD. Số lượng nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động từ năm 2010 đến năm 2011 đã vượt mức 90.000 người, trong đó số, người tử vong là khoảng 2.000 người. Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do tai nạn lao động lên tới một con số rất lớn là 17 nghìn tỷ won. Ngày 28 tháng 3 năm 2012 Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội (ESCD) đã thành lập Ủy ban Nâng cao Hệ thống phòng tránh tai nạn lao động nhằm thảo luận về các phương án thúc đẩy hệ thống phòng tránh tai nạn lao động ở Hàn Quốc. Vấn đề này phải được kiểm soát bằng tất cả biện pháp hiện hành, bao gồm cả việc nâng cao nhận thức xã hội.
Khá thú vị khi nhận thấy rằng, ở Hàn Quốc có một hệ thống giao hàng tư nhân rất phát triển được gọi là “Dịch vụ chuyển phát nhanh”. Sự xuất hiện của “Dịch vụ chuyển phát nhanh” không liên quan đến xu hướng về cường độ lớn cũng như tốc độ cao trong công việc của người Hàn Quốc. Dịch vụ này được trang bị một đoàn xe mô tô chuyên chở mọi loại hàng hóa và dịch vụ tới từng nhà, ví dụ như: bưu kiện, tài liệu, sách, các sản phẩm chế tạo…v.v
Hãy xem xét ba trường hợp liên quan tới chủ đề này:
Trường hợp thứ nhất, nếu bạn gọi điện đến một nhà hàng Trung Quốc gần khu vực của bạn để đặt mỳ hoặc một món ăn Trung Quốc nào đó thì chỉ trong vòng 20 phút, món ăn mà bạn yêu cầu sẽ được giao đến tận cửa nhà bạn.
Trường hợp thứ hai, khi người Hàn Quốc đi du lịch theo nhóm, họ thường giục nhau thăm thú xung quanh nhiều nhất có thể trong một khoảng thời gian đã định sẵn mà không chú ý nhiều đến bản chất sâu xa của sự vật.
Trường hợp thứ ba, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta nghe thấy tại nơi làm việc, người lao động và các giám đốc Hàn Quốc đều cùng hô hào “Nhanh lên, nhanh lên”. Điều này không gây bất kỳ một cảm giác khó chịu nào giữa những người Hàn Quốc với nhau. Nhưng nếu xảy ra ở các công ty Hàn Quốc hoạt động tại nước ngoài, thì tình huống này sẽ trở nên hoàn toàn khác biệt và thực sự nghiêm trọng. Các lao động ở địa phương có thể hiểu lầm việc lớn tiếng thúc giục đang gây khó chịu và căng thẳng về tinh thần cho họ. Sự khác biệt văn hóa nói trên đã gây ra một vài mâu thuẫn giữa các nhà quản lý Hàn Quốc và các lao động địa phương.
Nét văn hóa Khẩn trương hiện đang tiến tới một điểm mốc quan trọng, đó là phản ánh về sự tái điều chỉnh, cũng như Hàn Quốc đang phải giữ vai trò nhiều hơn trong một xã hội ngày một toàn cầu hóa, nơi mà sự hài hòa trong tính đa dạng cần được thúc đẩy.
Tiêu đề do tác giả tự đặt
Theo: Tống Thùy Linh
(Nguồn: Thông tin Hàn Quốc)