Công nghệ xanh
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đặt tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển quốc gia của mình. Trong năm 2008, cả nước dành 80% kế hoạch kích thích tài chính của mình cho các dự án tăng trưởng xanh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Năm sau, chính phủ công bố kế hoạch đầu tư 85 tỷ USD vào công nghệ năng lượng sạch và đưa ra kế hoạch tăng trưởng xanh, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới và củng cố ngành công nghiệp xuất khẩu công nghệ sạch.
Các kế hoạch này được tiết lộ vào năm 2009 trong một buổi giám sát của Ban quản lý về tăng trưởng xanh và Kế hoạch tăng trưởng xanh trong 5 năm (2009-2013). Chính phủ đã trình bày mục tiêu đến năm 2020 đứng trong top 7, đến năm 2050 đứng trong top 5 quốc gia đứng đầu trên thế giới về tăng trưởng xanh. Từ năm 2009, chính phủ đã phát triển và đầu tư vào công nghệ xanh mới và thực hiện các chính sách được đề xuất.
Hệ thống thương mại Carbon
Một trong những ý tưởng mà chính phủ đã và đang thúc đẩy là một hệ thống thương mại carbon đòi hỏi các công ty giảm khí thải nhà kính. Theo đó, các công ty sẽ phải tự mình giao dịch theo các hạn mức cho phép về khí thải dựa trên lượng khí nhà kính thải ra được đo bằng tấn. Các giao dịch này được diễn ra trong một thị trường giống như thị trường chứng khoán.
Trong giai đoạn đầu, chính phủ sẽ đưa ra hầu hết các hạn mức miễn phí. Hạn mức sẽ khác nhau tùy từng công ty và ngành công nghiệp. Sau đó, bắt đầu từ năm 2013, các công ty sẽ phải tiếp tục phát thải dưới hạn mức cho phép, hoặc mua hạn mức từ các công ty khác, nếu họ có các hạn mức dư thừa. Giá cả sẽ được xác định tự nhiên theo cung và cầu trên thị trường.
Các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương đã phản đối kế hoạch này, vì lý do chi phí. Tuy nhiên, các quan chức quả quyết rằng, hệ thống thương mại carbon rất quan trọng, góp phần làm giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu dầu khí và phát triển các nguồn năng lượng thay thế, thân thiện với môi trường.
Năng lượng tái tạo
Chính phủ Hàn Quốc hiện nay cũng hướng tới tăng sử dụng năng lượng tái tạo so với tổng nhu cầu năng lượng từ 2,4% năm ngoái đến hơn 11% vào năm 2030. Các tiêu chuẩn danh mục đầu tư tái tạo (RPS), bắt buộc sử dụng năng lượng tái tạo cho các tòa nhà công cộng. Dự án 1 triệu ngôi nhà xanh và phát triển xe xanh là một trong các kế hoạch của chính phủ đang được tiến hành để thực hiện chương trình này.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo cho công trình công cộng đã được thực hiện trong năm 2004, nhưng chính sách này chỉ bắt đầu được tăng cường từ sau kế hoạch tăng trưởng xanh của chính phủ. Trước đây, 5% tổng lệ phí xây dựng cho công trình công cộng mới được dành cho lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo. Còn hiện tại, 10% tổng năng lượng tiêu thụ phải được đáp ứng bằng các loại năng lượng tái tạo. Ngày càng nhiều ngôi nhà đang sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt là nguồn năng lượng thay cho khí và nhiên liệu hóa thạch. Trong năm 2010, gần 30.000 ngôi nhà đã được chuyển đổi thành ngôi nhà xanh với sự hỗ trợ từ chính phủ.
Hàn Quốc cũng dẫn đầu ngành công nghiệp toàn cầu trong phát triển công nghệ xanh. Các công ty như Samsung SDI và LG Chemical nắm giữ hơn 40 % thị trường toàn cầu cho pin thứ cấp lithium sử dụng cho điện thoại thông minh và xe hơi điện. Xuất khẩu của pin thứ cấp đạt 4 tỷ USD trong năm 2011, gần gấp đôi mức 2,5 tỷ USD trong năm 2009.
Lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong thị trường pin thứ cấp cũng ảnh hưởng đến phát triển xe xanh thân thiện với môi trường. Trong năm 2010, Công ty Hyundai Motor phát triển xe điện đầu tiên chạy pin của Hàn Quốc (EV), có tên BlueOn. Chính phủ Hàn Quốc đã hứa sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc phát triển các bộ phận và vật liệu cần thiết cho sản xuất EV và họ đã trợ cấp 18.000 USD cho mỗi người mua khi mua chiếc EV đầu tiên.
Theo: Vũ Thị Thư Thư – Trung tâm Phân tích và Dự báo
(Nguồn: Viện nghiên cứu Đông Bắc Á)