Bài viết dưới đây được tổng hợp dựa trên hai bài nghiên cứu của giáo sư Kim Ik Gi (trường Đại học Dong Guk) và giáo sư Im Hyun Jin (trường Đại học Seoul) tại Hội thảo quốc tế “Dòng chảy mới của tiêu dùng văn hóa đại chúng Đông Á” do Trung tâm Nghiên cứu châu Á, trường Đại học Seoul tổ chức ngày 29 tháng 3 năm 2013 vừa qua.
Để thực hiện nghiên cứu này, tháng 1 năm 2012, giáo sư Kim đã tiến hành điều tra bằng hình thức Tập trung thảo luận nhóm (Focus Group Discussion). Ông chọn tổng cộng 53 người tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Tokyo (Nhật Bản) và chia thành 4 nhóm (nhóm sinh viên nam; nhóm sinh viên nữ; nhóm nam trên 30 tuổi; nhóm nữ trên 30 tuổi).
Những người trả lời tại ba quốc gia tham gia điều tra cho rằng, sự hiểu biết về Hàn Quốc được nâng cao là nhờ ảnh hưởng của Hàn lưu. Các nữ sinh Trung Quốc và nam giới Đài Loan trên 30 tuổi trả lời: “Mặc dù quần áo Hàn Quốc đắt nhưng bán rất chạy”. Kết quả cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, Hàn lưu có ảnh hưởng tích cực đến việc cải thiện nhận thức của người dân Nhật Bản đối với Hàn Quốc. Nữ sinh Nhật cho rằng “số lượng người Nhật Bản yêu quý người Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể”, còn nam giới trên 30 tuổi Nhật Bản thì cho rằng: “Mối quan hệ với Hàn Quốc đã trở nên gần gũi hơn”.
Tâm lý phản kháng Hàn lưu cũng xuất hiện không thua kém những ảnh hưởng tích cực của Hàn lưu. Nhiều người tỏ ra lo lắng về sự lép vế của văn hóa nước mình trước việc tiếp nhận sản phẩm văn hóa Hàn Quốc quá đà.
Sinh viên nam Trung Quốc trả lời: “Phản Hàn lưu là điều tất yếu, bởi Hàn lưu gây ra những tác động mạnh tới văn hóa truyền thống Trung Quốc”. Sinh viên nam Nhật Bản nhận định về “phản Hàn lưu”: “Giới truyền thông đang tìm cách đối phó với hiện tượng người dân bày tỏ sự ghê tởm đối với Hàn lưu và nảy sinh các tranh luận phát sinh từ việc đánh giá bản sắc văn hóa dân tộc”.
Giáo sư Kim cho biết thêm: “Hiện tượng phản Hàn lưu xuất hiện rất rõ tại ba quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản), những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ Hàn lưu” và “hiện tượng phản Hàn lưu chỉ xuất hiện đối với một bộ phận chứ không phải toàn thể người dân ba nước đó, nhưng nó có thể có ảnh hưởng lan truyền tới những người khác trong thời gian tới”.
Giáo sư Im Hyun Jin, Khoa Xã hội học Trường Đại học Seoul chỉ ra rằng: “Để Hàn lưu phát triển lâu dài cần phải cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc văn hóa. Nhờ Hàn lưu mà các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc mới vượt qua được mọi trở ngại để trở thành niềm tự hào dân tộc”.
Trong bài nghiên cứu “Tính đa chiều trong tiêu dùng sản phẩm văn hóa Hàn lưu”, giáo sư Im cũng đã đưa ra lời cảnh báo: “Gần đây, cùng với việc đề cập nhiều đến Quyền lực mềm, sự quan trọng của Hàn lưu cũng được nhận thức lại, song, nếu Hàn Quốc dùng Hàn lưu như một cách để gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế thì đó là một ý tưởng vô cùng nguy hiểm”.
Việc tác động chính trị vào giao lưu văn hóa sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề. Theo kết quả điều tra của Nội các Nhật Bản trong năm vừa qua, mức độ thân thiện với người Hàn Quốc của người dân Nhật Bản trên 60%, nhưng do ảnh hưởng từ mâu thuẫn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, kết quả từ sau tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái giảm xuống dưới 40%.
Giáo sư Im nhận xét: “Nếu xem xét văn hóa dựa trên những vấn đề mang tính chính trị, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc sẽ ức chế sự hình thành cộng đồng văn hóa”,. Ông phân tích: “Việc Hàn lưu được phát triển trên khắp thế giới là nhờ “tính hỗn dung” (hybridity) mang tính thời gian và không gian mà Hàn lưu chất chứa trong mình”. Nhờ tính hỗn dung mang tính không gian giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây cùng với tính thời gian cộng tồn các giá trị tiền cận đại, cận đại và hiện đại mà Hàn lưu đã vượt khỏi châu Á, vươn ra khắp thế giới.
Giáo sư Im dự đoán: “Để Hàn lưu kiến tạo nên nền văn hóa cộng đồng vượt ra khỏi quốc gia thì “tính hỗn dung” nhất thiết phải được mở rộng. Hàn lưu vốn chất chứa trong mình đặc tính hỗn dung, nên khi kết hợp với các nền văn hóa ở các khu vực khác, nó sẽ tạo nên các sản phẩm văn hóa “hỗn dung” mới, đồng thời cũng có thể trở thành sản phẩm văn hóa có tính chất bắc cầu trong giao lưu với các nền văn hóa đa dạng”. Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Cùng với sự gia tăng Internet, SNS…Hàn lưu cần nỗ lực tiếp nhận văn hóa của các khu vực”.
Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Im đã đưa ra một ví dụ cụ thể tại Malaysia. Theo giáo sư, gần đây, tại Malaysia các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc thường xuyên xuất hiện trong các quảng cáo với tư cách là người mẫu quảng cáo. Malaysia là đất nước có 3 nhóm sắc tộc gồm người Malay, người Malaysia gốc Hoa, người Malaysia gốc Ấn Độ và Hàn lưu đang được sử dụng như một công cụ văn hóa thống nhất 3 nhóm tộc người này. Sự giao lưu của các tộc người Malaysia đang được thực hiện thông qua Hàn lưu, đây chính là đường hướng để Hàn lưu phát triển trong tương lai.
Tựu trung lại, hai giáo sư đã có nghiên cứu đánh giá một cách chân thành và đúng mực trên cơ sở khảo sát thực tế ở một số quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hàn lưu và nêu ra hướng phát triển mới của Hàn lưu trong tương lai.
Phan Thị Oanh
Nguồn: Viện nghiên cứu Đông Bắc Ắ