Vào giữa những năm 1950, khi có được sự ổn định kinh tế từ sau chiến tranh, thì Hàn Quốc lại phải đối mặt với một vấn đề xã hội nghiêm trọng khác. Khoảng 7,12 triệu em bé sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1963 đã hình thành nên một thời kỳ được gọi “bùng nổ dân số” trong lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc. Cùng với đó là việc những người Hàn sinh sống ở nước ngoài trở về và người tị nạn Bắc Triều Tiên tràn vào, nên dân số Hàn Quốc trong thời kỳ này tăng mạnh, trung bình khoảng 3% một năm bắt đầu từ năm 1955. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng dân số tăng nhanh như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế quốc gia. Do vậy, chương trình kế hoạch hóa gia đình đã được đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất như là một nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu giảm tỷ lệ sinh.
Hàn Quốc trước đây vốn là một quốc gia sinh đẻ nhiều, bởi vì theo quan điểm truyền thống thì bổn phận của con người là phải sinh con nối dõi tông đường, rằng có nhiều con là nhà có phúc. Trên đây là bài hát “Bữa tiệc thôi nôi vui vẻ” của nhóm Blue Bells, nhóm nhạc nam bốn người nổi tiếng bấy giờ. Nội dung ca từ là lời chúc phúc dành cho em bé mới sinh, nhân vật chính của bữa tiệc thôi nôi. Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc thì từ năm 1955 đến 1963, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 6,1 nghĩa là trung bình cứ một phụ nữ sinh sáu người con. Thực tế thì tỷ lệ sinh tăng cao sau chiến tranh vốn là một hiện tượng chung toàn cầu. Giáo sư Song Yang-min thuộc Trường cao học điều trị đặc biệt của Đại học Gachon đã từng viết một cuốn sách phân tích mang tựa đề “Cơm, tiền, tự do”, được coi như phân tích đầu tiên về thời đại bùng nổ dân số của Hàn Quốc. Ông cho biết: “Tỷ lệ sinh con tăng cao khi chiến tranh kết thúc có thể coi là một hiện tượng thường thấy trên thế giới. Nguyên do là bởi những cặp vợ chồng, trai gái yêu nhau nhưng phải xa cách vì chiến tranh thì giờ đây đã có cơ hội đoàn tụ, kết hôn, theo đó việc sinh nở trở thành một điều hết sức tự nhiên. Đầu những năm 1950, trung bình khoảng 400.000 trẻ được sinh ra một năm, thì sau chiến tranh, đặc biệt là bắt đầu từ năm 1955, con số đó đã lên tới 700.000 trẻ và có năm lên tới 880.000 trẻ. Trong suốt chín năm, số lượng trẻ được sinh ra đạt mức kỷ lục như vậy nên đây được gọi là thời kỳ “bùng nổ dân số”.”
Những em bé sinh ra trong thời kỳ này ngay từ nhỏ đã phải học cách chia sẻ mọi thứ, từ quần áo đến đồ ăn với rất đông các anh chị em của mình. Bà Yang Seong-hee sinh năm 1958 kể lại: “Nhà tôi có sáu anh chị em, gồm hai trai và bốn gái. Vào thời đó, gia đình chúng tôi vẫn chưa được coi là đông người đâu. Vì các thành viên phần lớn đều sinh cách năm nên chúng tôi đều đi học cùng nhau, bởi vậy cuộc sống cũng giống như cảnh chia sẻ thời chiến. Ví dụ như vào buổi sáng, nhất là vào những ngày mưa thì rất khó tìm được một cái ô vì nhà lúc đó chẳng có nhiều ô, dù như bây giờ. Vậy nên ai đi sớm thì có cái mà che mưa, ai đi muộn thì phải chịu thôi, có khi phải lấy giấy làm ô che tạm. Không chỉ vậy, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục và các vật dụng khác cũng được truyền từ anh, chị sang các em nhỏ.”
Trong giai đoạn bùng nổ dân số của Hàn Quốc thì năm 1958 có thể coi là năm cao điểm nhất khi có hơn 800.000 trẻ được sinh ra. Vì vậy đã xuất hiện một cụm từ lóng “Tuổi Tuất năm 58” để chỉ chung những người sinh ra trong giai đoạn này, biểu tượng của thời kỳ bùng nổ dân số. Ông Hong Young-min, người đã di cư đến Mỹ 27 năm trước đây, nói rằng có rất nhiều cùng tuổi ông trong cộng đồng người Mỹ gốc Hàn. “Tôi bây giờ đang sống ở Mỹ và xung quanh tôi toàn những người sinh năm 1958, cùng tuổi tôi. Tuổi Tuất thì có nhiều năm, nhưng việc có nhiều người tuổi Mậu Tuất như mình thì quả là một điều thú vị. Thậm chí người ta còn có một tập thơ về “Những người sinh năm Tuất 1958” nữa.”
Dân số tăng nhanh là vấn đề đau đầu đối với Chính phủ Hàn Quốc. Do số lượng trẻ em nhập học quá đông mà lớp học, trường học lại thiếu nên phải xây dựng mới thêm nhiều. Một bản tin của năm 1965 đã phản ánh tình trạng đó như sau:
Chính phủ đang nỗ lực hết sức để đối phó với việc số lượng trẻ em nhập học tăng hàng năm. Năm nay Chính phủ đã phải xây thêm 2.500 lớp học mới. Tuy nhiên, số lượng trẻ nhập học trong năm nay đã đạt gần 5 triệu em, nhiều hơn 258.000 em so với năm ngoái. Như vậy, chúng ta phải có 77.900 phòng học thì mới đáp ứng đủ. Nhưng hiện tại chỉ có khoảng 58.500, như vậy là còn thiếu khoảng 19.400 phòng học nữa.
Học sinh đông, lớp học thiếu, vì vậy nhiều trưởng phải tổ chức dạy hai phiên, về sau thậm chí tăng lên ba phiên, mới đáp ứng được nhu cầu. Ông Hong Young-min sinh năm 1958 nhớ lại:“Thời tôi học tiểu học thì một lớp có khoảng 65 đến 70 bạn, mỗi học kỳ có từ 12 đến 15 lớp và thậm chí còn nhiều hơn nữa. Đặc biệt là ở cấp học của tôi còn phải chia ra các lớp sáng và chiều. Thỉnh thoảng nếu có học sinh chuyển trường đến thì y như rằng sẽ thiếu bàn, ghế. Tôi nhớ lớp học chật đến nỗi không còn một khoảng trống nào để đặt thêm bàn được nữa.”
Phong trào kế hoạch hóa gia đình
Chiến tranh vừa mới qua đi, đất nước còn đang rất khó khăn, thậm chí còn chưa đủ ăn, thì việc tăng dân số nhanh như thế này sẽ là rào cản cho sự phát triển kinh tế. Vì vậy, đến năm 1962, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức ban thành chính sách Kế hoạch hoá gia đình và coi đây như một nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia nhằm giảm tỷ lệ sinh. Giáo sư Song Yang-min thuộc Trường cao học điều trị đặc biệt của Đại học Gachon, giải thích:“Vào thời điểm đó, khái niệm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người còn rất xa lạ đối với người dân. GDP đầu người được tính bằng cách chia tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia cho tổng dân số của nước đó. Theo đó, nếu giảm được số dân thì GDP đầu người sẽ tăng lên và chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được cải thiện. Nói cách khác để đẩy lùi tình trạng đói nghèo thì phải hạn chế sinh. Thêm nữa, do lương thực vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nên Chính phủ nhận thức được rằng bắt buộc phải xúc tiến công cuộc kế hoạch hóa gia đình một cách quyết liệt hơn nữa.”
Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 1971 sẽ giảm tỷ lệ tăng dân số xuống còn 2% và mỗi phụ nữ chỉ sinh ba con. Để thực hiện được điều này, Chính phủ đã thành lập “Hiệp hội kế hoạch hoá gia đình Hàn Quốc” và cử các chuyên gia đến các khu làng, ấp, xã ở nông thôn để vận động, hướng dẫn bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Ngoài ra các bác sĩ, hộ sinh cũng được khuyến khích tham gia nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Giáo sư Song Yang-min nhớ lại:“Các bác sĩ và hộ sinh đã được cử đến các địa phương để vừa vận động bà con thực hiện phong trào kế hoạch hóa, vừa trực tiếp tiến hành các cuộc phẫu thuật thắt ống dẫn tinh và triệt sản. Dựa vào bản ghi chú của các bác sĩ thời bấy giờ, ta có thể thấy rằng thời đó phụ nữ được gọi tập trung đến hội trường của trường tiểu học. Đa phần họ ở độ tuổi trung niên và trung bình mỗi ngày các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thắt ống dẫn trứng cho khoảng 30-40 người. Trong khi đó, nam giới vốn thường phải đến doanh trại quân đội để được huấn luyện dự bị trong vòng một tuần, tuy nhiên quy định mới thời đó là nếu ai đi phẫu thuật thắt ống dẫn tinh thì sẽ được miễn tham gia khoá huấn luyện này. Điều này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía các chị em phụ nữ.”
Trong khi phong trào diễn ra tích cực tại các vùng quê thì ở các đô thị, không khí cũng sôi nổi không kém. Các khu vực dân cư, nơi công cộng được giăng đầy các các áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền như “Nếu cứ sinh nở vô tội vạ, thì tương lai chúng ta sẽ chẳng khác gì kẻ ăn mày” hay “Sinh nhiều thì khổ, hãy sinh ít để nuôi dạy con tốt”. Ở những nơi đông người như rạp chiếu phim cũng chiếu các đoạn phim quảng bá, vận động kế hoạch hoá gia đình. Đoạn phim dưới đây đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc 3-3-35. Nguyên tắc 3-3-35 tức là khuyến khích chỉ sinh ba con cách nhau ba năm và sinh trước 35 tuổi. Đây là một chiến dịch công khai được Chính phủ thực hiện nhằm hướng đến giảm tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, khi mới triển khai, Chính phủ đã vấp phải sự phản đối của không ít người dân. Tại khu vực nông thôn nơi có tỷ lệ sinh cao và vẫn còn nặng nề tư tưởng truyền thống, các hội viên của Hiệp hội kế hoạch hoá gia đình nhiều khi còn bị các ông bố chồng đuổi đi vì dám thuyết phục con dâu họ phòng tránh thai. Hầu hết đối tượng tham dự các buổi nói chuyện về kế hoạch hóa gia đình ở nông thôn là các bà nội trợ. Họ cõng con trên lưng nghe nói chuyện và sau đó còn được đề xuất hỗ trợ để thực hiện triệt sản tại chỗ.
Tỷ lệ sinh giảm dần
Chính sách kế hoạch hoá gia đình dần lan rộng ra toàn quốc. Nếu như vào những năm 1960, tỷ lệ sinh trung bình là 1 phụ nữ/6 trẻ em thì đến năm 1966 đã giảm xuống 1 phụ nữ /5,4 trẻ em và đến năm 1970 giảm chỉ còn 1 phụ nữ/ 4,3 trẻ em. Nỗ lực của Chính phủ trong vận động, giáo dục đã giúp xóa bỏ dần những quan niệm bảo thủ cổ hủ như sinh nhiều con là có phúc…
Thế hệ “bùng nổ dân số” đóng góp cho phát triển kinh tế
Số những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số chiếm 14,5% trong tổng dân số Hàn Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đã giảm dần nhờ chính sách đẩy mạnh kế hoạch hoá gia đình của Chính phủ Hàn Quốc. Tuy vậy, lực lượng lao động được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số này cũng đã đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Giáo sư Song Yang-min của Đại học Gachon cho biết: “Hai nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền Tổng thống Park Chung-hee đề ra là phải phát triển kinh tế song song với hạn chế sinh đẻ. Tuy nhiên, tất cả những thành quả của thời đại kiến quốc, thời đại giải phóng chỉ là nhỏ nếu so với những gì tạo ra được trong thời kỳ bùng nổ dân số. Chính nhờ lực lượng lao động mới này mà nền kinh tế Hàn Quốc giai đoạn đó mới có thể tăng trưởng thần kỳ như vậy. Những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số vừa là nguồn lao động chính cho đến những năm 1970, lại vừa là lực lượng tiêu thụ chủ lực từ những năm 1980 trở đi, góp phần thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng của đất nước. Nền kinh tế Hàn Quốc vốn dựa vào xuất khẩu. Từ những năm 1960, 1970 đến giữa những năm 1980, chúng ta đã sản xuất được rất nhiều mặt hàng có chất lượng và xuất ra nước ngoài. Nhờ vậy mà thu nhập bình quân đầu người, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện nhiều, nhiều người đã có tiền để mua nhà, xe hơi và nhiều hàng tiêu dùng khác. Sự tăng tưởng sản xuất và tiêu dùng nhanh như vậy chính là nền tảng đưa kinh tế Hàn Quốc tiến lên và đạt được thành công như ngày nay. Và một lần nữa cần phải nhấn mạnh nhân tố đã góp phần quan trọng vào sự phát triển này chính là lực lượng lao động kiêm tiêu thụ nói trên.”
Như vậy, sự bùng nổ dân số chính là động lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa kinh tế của Hàn Quốc. Sau Thế chiến II, Đại Hàn Dân Quốc là một trong những nước giành được độc lập đã thực hiện thành công đồng thời cả hai mục tiêu dân chủ hoá và công nghiệp hoá. Và hoàn toàn không nghi ngờ rằng chính thế hệ “bùng nổ dân số” đã trở thành động lực chủ yếu trong quá trình phát triển kinh tế. Nói cách khác, lịch sử của thời kỳ bùng nổ dân số cũng có thể coi là lịch sử hiện đại của Hàn Quốc. Đó là lý do vì sao mà những người sinh ra vào năm Tuất 1958 như bà Yang Seong-hee hay ông Hong Young-min rất tự hào về năm sinh của mình:“Tôi và nhiều người cùng tuổi khác rất hãnh diện về điều này. Thế hệ chúng tôi đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất nhưng đã tự vượt qua được. Và liệu nếu không có giai đoạn khó khăn ấy làm động lực, liệu chúng ta có thể phát triển kinh tế Hàn Quốc như ngày nay không? Năm Mậu Tuất 1958 là khởi đầu cho giai đoạn khó khăn nhất của Đại Hàn Dân Quốc. Nhưng những người lao động tuổi Tuất năm đó đã làm việc một cách chăm chỉ, cống hiến tận tụy cho đất nước và giữ trọn trách nhiệm của một người công dân. Chúng tôi hoàn toàn có quyền kiêu hãnh vì những gì mình đã làm được. Và tôi tin rằng giai đoạn đó chính là dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử Hàn Quốc.”